CHUYÊN ĐỀ
MỘT SỐ BIỆN PHÁP DẠY HỌC HIỆU QUẢ
TRONG DẠY GIÁO DỤC ĐỊA PHƯƠNG CHO HỌC SINH LỚP 2 + 3
Thực hiện kế hoạch nhiệm vụ năm học 2024 - 2025 của trường Tiểu học Hoàng Diệu, thực hiện theo kế hoạch chuyên đề của tổ giáo viên khối 2+3 trong năm học này, chiều ngày 17 tháng 10 năm 2024 tại phòng họp, tổ giáo viên khối 2+3 tiến hành triển khai lý thuyết chuyên đề: “Một số biện pháp dạy học hiệu quả trong dạy Giáo dục địa phương cho học sinh lớp 2- 3”.
Đây là một hoạt động thiết thực và quan trọng nhằm góp phần nâng cao chất lượng dạy giáo dục địa phương cho học sinh lớp 2- 3.
Trong buổi triển khai lý thuyết chuyên đề, các thầy cô giáo trong tổ tham gia đầy đủ, đúng giờ và tích cực trao đổi, thảo luận.
Buổi triển khai lý thuyết chuyên đề đã tạo cơ hội cho các giáo viên trong tổ học tập, trao đổi đưa ra nhiều giải pháp hiệu quả góp phần nâng cao chất lượng dạy học và giáo dục, đặc biệt giáo dục địa phương.
Chiều ngày 24/10/2024, cô giáo Phạm Thị Thu Hà thực hiện tiết dạy minh họa chuyên đề.
Các hoạt động trong tiết dạy diễn ra nhịp nhàng, tạo được hứng thú học tập cho học sinh. Đặc biệt việc ứng dụng CNTT tạo ra các clip minh họa cho bài dạy thêm sinh động.
Một số hình ảnh tiết dạy của cô Phạm Thị Thu Hà và học sinh lớp 3D
Tiết học minh họa thành công chuyên đề trên cơ sở sự sáng tạo của cô giáo trong vận dụng phương pháp và các hình thức tổ chức cùng sự hứng thú, hăng hái, tích cực trong học tập của các em học sinh lớp 3D. Cũng qua tiết học này, các thầy cô cũng thấy được những khó khăn, vướng mắc mà học sinh gặp phải.
Sau tiết dạy, cả tổ đã có những trao đổi, thắc mắc, thống nhất tháo gỡ những khó khăn, lựa chọn phương pháp, hình thức tổ chức linh hoạt phù hợp với từng đối tượng học sinh của lớp mình.
Sau buổi thảo luận, tổ đi đến thống nhất, để nâng cao hiệu quả trong dạy Giáo dục địa phương cho học sinh lớp 2- 3, tùy theo tính chất và mục đích của từng hoạt động cụ thể cũng như điều kiện, khả năng của các em mà GV có thể lựa chọn một hay nhiều phương pháp phù hợp. Điều quan trọng là phương pháp được lựa chọn cần phát huy cao độ vai trò chủ động, tích cực, sáng tạo của HS. Chúng ta có thể vận dụng các phương pháp chính đó là:
Biện pháp 1: Tích cực học tập, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn về dạy nội dung Giáo dục địa phương
- Khi chương trình GDPT 2018 đưa ra, theo sự chỉ đạo của Phòng Giáo dục, tôi đã tham gia các lớp tập huấn về chương trình sách giáo khoa mới, luôn tự tìm hiểu – nghiên cứu nội dung cũng như những điểm mới của chương trình GDPT 2018 so với chương trình hiện hành.
- Bản thân tôi nhận thấy rằng là một giáo viên tôi luôn cần cố gắng để học hỏi, trau dồi kiến thức, kĩ năng nâng cao năng lực tổ chức các nội dung Giáo dục địa phương cho học sinh thông qua các buổi chuyên đề, qua dự giờ các đồng nghiệp hoặc qua mạng Internet cho bản thân.
- Ngay từ đầu năm học nhà trường đã tổ chức tập huấn cho toàn bộ giáo viên trong trường để hướng dẫn giáo viên thiết kế bài giảng điện tử trên các phần phềm Powerpoint, Violet, ứng dụng công nghệ AI cho toàn bộ CBQL, giáo viên trong trường.
Biện pháp 2: Dạy giáo dục địa phương thông qua các trò chơi
Trò chơi là một loại hình hoạt động giải trí, thư giãn; là món ăn tinh thần nhiều bổ ích và không thể thiếu được trong cuộc sống con người nói chung, đối với học sinh nói riêng. Trò chơi là hình thức tổ chức các hoạt động vui chơi với nội dung kiến thức thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, có tác dụng giáo dục “chơi mà học, học mà chơi”.
Trò chơi có thể được sử dụng trong nhiều hoạt động học tập nội dung giáo dục địa phương như khởi động, dẫn nhập vào nội dung học tập, cung cấp và tiếp nhận tri thức; đánh giá kết quả, rèn luyện các kĩ năng và củng cố những tri thức đã được tiếp nhận,… Trò chơi giúp phát huy tính sáng tạo, hấp dẫn và gây hứng thú cho học sinh; giúp học sinh dễ tiếp thu kiến thức mới; tạo được bầu không khí thân thiện; tạo cho các em tác phong nhanh nhẹn,…
Ví dụ: Để củng cố kiến thức đã học từ bài trước và dẫn vào bài mới, GV tổ chức cho các em chơi trò chơi “Bức tranh bí ẩn” để giúp các em nhớ lại các kiến thức đã học với tâm thế thoải mái nhất, đồng thời giúp các em bước vào các hoạt động tiếp theo một cách nhẹ nhàng. Qua trò chơi cũng tạo bầu không khí vui vẻ trong lớp học.
Biện pháp 3: Sử dụng công nghệ số trong giảng dạy tài liệu giáo dục địa phương.
- Tổ chức cho HS sử dụng công nghệ số vào trong tiết học.
- HS được tham gia thực hành trải nghiệm trên các phương tiện như: Bảng tương tác, máy tính bảng, điện thoại thông minh, laptop... qua các ứng dụng Quizizz, trang paslet...
Biện pháp 4: Làm tốt công tác tham mưu, đề xuất, phối hợp với nhà trường, gia đình và xã hội
Các hình thức tổ chức dạy học giáo dục địa phương cho học sinh rất phong phú: tổ chức các chuyên đề, học tập thực địa, trải nghiệm văn hóa lịch sử địa phương, tổ chức cho học sinh đi trải nghiệm, học tập tại các di tích, địa điểm ngoài trường,… Để làm được việc đó thì việc tham mưu, đề xuất, phối kết hợp chặt chẽ với phụ huynh và các tổ chức giáo dục khác trong và ngoài nhà trường là vô cùng quan trọng. Nhà trường cũng như mỗi giáo viên cần chủ động đề xuất, phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các ban ngành đoàn thể địa phương; các các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ở địa phương, các nhà hoạt động xã hội, những nghệ nhân, những người lao động... cùng tham gia. Các cơ sở như khu di tích lịch sử, khu văn hóa, cơ quan, công trường, nhà vườn, khu chăn nuôi, đồng ruộng… hoặc ở mỗi gia đình đều có thể là địa điểm lý tưởng để học sinh được thực hành, trải nghiệm.
- Đề xuất với nhà trường tổ chức cho học sinh tham gia trải nghiệm thực tế tại các địa điểm ở Hải Dương, ví dụ: Văn miếu Mao Điền, Côn Sơn, Đảo Cò…
- Thông qua Zalo nhóm lớp tuyên truyền với phụ huynh học sinh những địa điểm tham quan của tỉnh nhà để phụ huynh có thể chủ động đưa các con đi trải nghiệm.
Như vậy sau chuyên đề, mỗi GV trang bị thêm cho mình những kinh nghiệm bổ ích để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho bản thân mình.
Hoàng Diệu, ngày 31 tháng 10 năm 2024
Người viết bài: Cô giáo: Đặng Kiều Vân – Tổ phó tổ CM 2+3