HỌC SINH KHỐI 4-5 TRƯỜNG TIỂU HỌC HOÀNG DIỆU HỌC TẬP GIÁO DỤC ĐỊA PHƯƠNG TẠI MIẾU NGHĨA HY, HUYỆN GIA LỘC, TỈNH HẢI DƯƠNG.
Căn cứ Kế hoạch nhiệm vụ năm học và Kế hoạch giáo dục của nhà trường năm học 2024-2025;
Nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục học sinh theo hướng tiếp cận với hoạt động của xã hội, rèn cho học sinh kỹ năng giao tiếp, kỹ năng trải nghiệm cuộc sống, mở rộng tầm hiểu biết và bồi dưỡng lòng yêu thiên nhiên, đất nước cho các em học sinh.
Chiều ngày 21 tháng 3 năm 2025, trường Tiểu học Hoàng Diệu tổ chức chương trình học tập trải nghiệm thực tế, chương trình giáo dục địa phương cho học sinh khối 4-5 năm học 2024 - 2025 tại miếu Nghĩa Hy – Hoàng Diệu, nơi thờ danh tướng Lương Quang Thắng, một vị tướng quân có công giúp vua Lý đánh giặc.


Tại đây, thầy và trò trường Tiểu học Hoàng Diệu đã làm lễ dâng hương bày tỏ lòng tri ân với công lao to lớn của danh tướng Lương Quang Thắng.


Sau lễ dâng hương, học sinh Trường Tiểu học Hoàng Diệu được tìm hiểu về lịch sử về nguồn gốc miếu Nghĩa Hy. Miếu Nghĩa Hy thờ ông Lương Quang Thắng là một vị tướng quân có công giúp vua Lý đánh giặc. Sau khi mất được phong là Thượng đẳng phúc thần và thờ tại miếu Nghĩa Hy. Ngôi miếu được khởi công xây dựng vào năm 1907 đến năm 1916 mới xây xong trải qua thăng trầm của thời gian ngôi miếu cũng đã được tu sửa nhiều lần nhưng cũng chỉ được một thời gian lại xuống cấp. Năm 2004 được sự đồng ý của chính quyền địa phương và sự đồng tâm của nhân dân trong làng, ngôi miếu được trùng tu lại. Qua ba tháng thi công những người thợ không quản nắng mưa đã hoàn thành và làng tổ chức lễ khánh thành trùng tu ngôi miếu vào tháng Giêng năm Ất Tỵ.

Sau phần học tập đầy ý nghĩa và hiệu quả, các em học sinh còn được tham gia các hoạt động trải nghiệm như: các trò chơi dân gian và hoạt động bảo vệ, chăm sóc cảnh quan thiên nhiên tại miếu Nghĩa Hy.





Sau buổi trải nghiệm, các em về nhà làm bài thu hoạch bằng nhiều hình thức như vẽ tranh, viết cảm nhận của bản thân về buổi ngoại khóa học lịch sử địa phương rồi chia sẻ với người thân, bạn bè.
Buổi học tập giáo dục địa phương đã đem lại rất nhiều điều bổ ích, lí thú. Các em học sinh không những có thêm những hiểu biết sâu sắc về lịch sử địa phương mà còn được hình thành và phát triển một số phẩm chất: yêu nước, nhân ái, trách nhiệm; một số năng lực: tự chủ, tự học, giao tiếp, hợp tác,...theo đúng mục tiêu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018./.
Tin bài: Cô giáo Đỗ Thị Duyên